Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ ÁNH ĐÈN PHỐ NÚI

LỜI GIỚI THIỆU - Tập thơ Ánh đèn phố núi

***

Sông Hương tên thật là Nguyễn Thị Kim Liên, quê gốc ở Trảng Bàng (Tây Ninh), Tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp - Khoa Ngữ Văn năm 1992. Danh hiệu Cử Nhân Khoa Học Văn Chương - Vào Hội Văn Học năm 1993, Sông Hương còn dạy Văn ở Trảng Bàng (Tây Ninh)

Thơ – văn Sông Hương viết về quê hương, đất nước và con người. Sông Hương là một nhà giáo, một nhà thơ đa sầu, đa cảm, một trái thông rơi bên hồ Xuân Hương, một cọng cỏ khô bên đường làm vướng chân người lữ khách, cũng làm cho Sông Hương khắc khoải , sâu lắng ghi vào lòng mình những cảm xúc dạt dào. Dưới ánh đèn mờ sương trên phố núi của những ngày ở Trại Sáng Tác Đà Lạt, Sông Hương đã có những cảm nhận về một chuyện tình buồn, của người sơn cước. Sông cảm thương cho duyên số, buồn cho chuyện tình dang dỡ của chàng Lang và nàng Bi-ang, yêu nhau mà không được tác hợp, họ đã giữ mãi hình ảnh đẹp trong nhau bằng cách đi tìm cái chết vĩnh hằng, để rồi lưu lại mãi nỗi niềm riêng tư ấy cho đến bây giờ:

“Mối tình chẳng đẹp lương duyên

Ngàn năm còn đó tươi nguyên chữ tình”

(Chuyện tình Lang-Biang- Sông Hương)

“Ánh đèn phố núi” là tập thơ ngẫu hứng của người nữ sĩ giàu cảm xúc và lòng nhân ái xứ Trảng , gồm 2 phần:

Phấn 1: Ánh đèn phố núi – Sông Hương khắc ghi những cảm xúc trong lần tham quan, dự Trại Sáng Tác Văn Học của Bộ Văn Hóa Thông tin tại thành phố Đà Lạt

Phần 2: Tình người Tây Ninh – Ghi lại một số bài thơ, văn mà Sông Hương yêu thích, trong những ngày tháng viết văn làm thơ tại miền quê yêu dấu này.

Không như những nhà văn, nhà thơ khác. Thơ, văn của Sông Hương mang tính tự bạch, với lời lẻ giản dị dễ hiểu, Sông Hương ít dùng những từ hoa mỹ, tân kỳ. Đó phải chăng là một nét riêng của một người con gái thật thà, chất phát, hiền thục của xứ Trảng. Thơ của Sông Hương mang đầy tính tự sự, nói lên những cảm xúc tìm gặp trên bước đường mà Sông Hương đã đi qua. Sông Hương ghi nhận lại làm chút hành trang trong đời sống riêng tư của mình.

Viết lời giới thiệu cho Sông Hương, tôi không dám có ý nghĩ là bài viết này sẽ làm lời dẫn cho tập thơ Sông Hương . Chỉ xem như là một lời chúc tốt lành nhất đến với ngưòi bạn thơ, người em gái yêu thơ mà có lần gặp gỡ trên Văn Đàn của xứ sở hoa anh đào và được đọc những dòng thơ đầy xúc cảm.

Tháng 10/2005

MLĐL

NGƯỜI MẸ- NGƯỜI VỢ TRONG THƠ SÔNG HƯƠNG

NGƯỜI MẸ - NGƯỜI VỢ TRONG THƠ SÔNG HƯƠNG

Tập thơ “Môi ngọt”(Nhà Xuất bản Hội Nhà văn – 2007) của tác giả Sông Hương, sau tập thơ “Ánh đèn phố núi” (Nhà Xuất bản Văn Nghệ - 2005).

Với 38 bài thơ, tập thơ “Môi ngọt” như một tập nhật ký ghi lại những diễn biến về cuộc đời mà tác giả phải niếm trải. Lật từng trang thơ tôi nghe đâu đây tiếng thở dài của một người phụ nữ đang ra sức chèo lái giữa dòng đời.

Nét nổi bật của tập thơ mà người đọc đón nhận được, đó là mỗi dòng thơ đều mang nặng tình người, tình quê hương, thi thoảng chị cũng có những phút xao lòng… Trong hồn thơ ẩn chứa nỗi lòng của một người mẹ, một người vợ. Tác giả Nguyễn Đức Thiện cũng có bài :” Đằm thắm thơ Nguyễn Thị Kim Liên” bình ngắn về tập thơ này.

Tác giả Sông Hương tên thật Nguyễn Thị Kim Liên , một giáo viên dạy Ngữ Văn ở Trảng Bàng, là Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Tây Ninh. Tập thơ “Môi ngọt” đăng trên trang web của Văn Nghệ Sông Cửu Long, ngày 26/01/2007 đã có đến 1.245 lượt người xem. Tôi thử lướt qua trang web vannghesongcuulong.org thì thấy tên Nguyễn Thị Kim Liên hiện lên, chị là một trong số 9 tác giả của Tây Ninh, chị cũng là một trong số 1.110 tác giả của cả nước (thời điểm lúc bấy giờ).

Trước hết phải nói đến chữ tình của một người mẹ trong thơ của Sông Hương. Lời thơ của chị như dõi theo bước chân của đứa con yêu dấu. Mỗi một ngày trôi qua, mỗi nụ cười, từng tiếng nói đang còn bập bẹ như rung lên trong tim của người mẹ. Tất cả nhọc nhằn, thiếu thốn như qua đi, tất cả những gì nặng nhọc của cuộc đời như dịu đi khi trong căn nhà nhỏ đang rộn rã tiếng tiếng cười thơ ngây:

Thế là Tết trong nhà không hoa

Có bóng con tôi thấp thoáng vào ra

Và tiếng cười rúc rích khắp nhà

Thế mà vui suốt mấy ngày đón tết.

(Ngày Tết không hoa)

Thế mà vui…” Sự chấp nhận trước cuộc đời, chấp nhận những gì đang có, và chị hạnh phúc. Đó cũng là một quan niệm sống, một quan niệm về hạnh phúc. Hạnh phúc không ở đâu xa, mà nó quanh ta. Tôi lại nhớ đến lời củaa một bài hát : “Hạnh phúc sống quanh ta đâu là chuyện bất ngờ… ”

Không hoa thì đi tìm hoa. Và hình ảnh đứa con với trên tay một giỏ hao đầy ắp đủ loại :

Một giỏ đầy hoa

Một rừng hoa theo con về nhà

Ngắt bông đỏ tặng ba

Ba luôn mạnh mẽ

Ngắt bông trắng tặng mẹ

Mẹ bao giờ cũng hiền

(Con tôi đi hái hoa)

Hạnh phúc thật đơn sơ, mộc mạc như hương hoa rừng vậy. Niềm hạnh phúc đó cũng chính là sự cộng hưởng của tình mẹ con.

Đọc đến “Về thôi anh, Đau tim, Tiếng cuốc sớm mai, Cao nguyên, Mượn, Môi ngọt…” ta thấy chữ tình trong thơ của chị đối với chồng rất sắc son, đằm thắm, ( chữ dùng của Nguyễn Đức Thiện) :Cao nguyên xanh/Gió lạnh/ Nếu có anh/ Sẽ bừng ấm / Nồng nàn (Cao Nguyên)

Cái lạnh của cao nguyên khiến người vợ nghĩ đến và cần đến bàn tay sưởi ấm của người bạn đời. Có anh, em sẽ được hạnh phúc, được đón nhận, được tận hưởng những giây phút ấm nồng bên nhau. Đó là hạnh phúc, đi đâu, ở đâu, chị cũng nghĩ đến người chồng yêu dấu. Hạnh phúc với chị là khi nghĩ đến nhau, khi cần có nhau. Giản đơn mà lại sâu sắc.

Cần có nhau để được gần nhau. Gần nhau để tặng cho nhau, chia sẻ cho nhau, nào những Mặn mòi/ Đắng đót/ Chua chát (Môi ngọt) để rồi chúng hòa huyện và tạo thành những hương vị của cuộc đời. Chị ao ước rằng Một lần thôi / Tặng anh/ Chút ngọt/Trên môi/ Để anh/ Yêu em/ Trọn đời (Môi ngọt) . Nhưng khi không có anh thì … Giữa đất trời này/ biết mượn gì đây/ lấp đầy khoảng trống ?(Mượn)

Thơ của Nguyễn Thị Kim Liên chân chất, giản đơn, dễ cảm và ẩn chứa tính triết lý, triết lý về nhân sinh, bộc bạch một quan niệm sống, một cách nghĩ, một cách định danh, cho mình giữa cuộc đời lắm xôn xao, bon chen và đùn đẩy.

Và chị vẫn cứ chèo giữa dòng đời với tất cả niềm tin và ý chí của người mẹ, người vợ : Đời cứ trôi/ tôi người giữa dòng/ Chèo hay lái một mình tôi ráng sức (Tự bạt).

Gấp tập thơ, tôi như vẫn còn nghe tiếng thở dài của chị Chia cho ai một nửa (Chợt buồn)

Lê Văn Hồng

Sở Giáo dục & Đào tạo Tây Ninh

***

(Đã đăng trên báo Tây Ninh ngày13/ 3/ 2007),

(Báo Sở Giáo dục & Đào tạo Tây Ninh 2008)

(Báo Văn nghệ Tây Ninh -2009) )

ĐẰM THẮM THƠ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN

ĐẰM THẮM

THƠ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN

.

Trong tay bạn đọc là tập thơ mới của Nguyễn Thị Kim Liên, 38 bài thơ là 38 lời tự sự đằm thắm, dịu dàng.

Trước hết là những bài viết về quê hương. Có thể nhận thấy, khi Nguyễn Thị Kim Liên viết về quê hương tình cảm của chị bỗng mềm hẳn. Quê hương hiện ra trong thơ Nguyễn Thị Kim Liên là những chuỗi dài hoài niệm. Bóng dáng quê hương in hằng trên dáng hình của cha, của mẹ, trên cánh đồng, bên bến sông, cánh diều, khói đốt đồng, tiếng chuông chùa, tiếng cầu kinh, cánh cò… rất quen thuộc của nhiều nhà thơ khác từng viết, nhưng khi Nguyễn Thị Kim Liên gọi tất cả ra trong thơ của mình lại có những nét rất riêng.

Bếp nhà ai khói nhẹ tênh

Đàn kìm ai gửi tâm tình cho ai

(CHIỀU QUÊ HƯƠNG)

Đâu rồi những tiếng gươm khua

Đâu rồi tiếng giã bàng khuya bập bùng

Đâu rồi câu lý người thương

Những bước chân mở rừng hoang đâu rồi…?

(BẾN QUÊ)

Thơ Nguyễn Thị Kim Liên không quên đến công việc mình đang làm: GIÁO VIÊN. Trước mắt cô, những đứa học trò không chỉ đáng yêu, mà còn là sự khao khát của những tâm hồn thơ trẻ. Trước các em, Kim Liên bỗng thấy mình bé nhỏ và mong sao làm được nhiều hơn cho các em. Hang ngày nhìn cây phượng vĩ lên xanh, rồi thấy hoa phượng vĩ bừng nở, Kim Liên thấy mình chơi vơi trước cảnh tiễn lớp trẻ này ra trường, đón lớp trẻ khác đến, làm sân trường bao giờ cũng mới. Mới những con ngưòi và mới những tâm hồn.

Lá phượng xanh

Chờ ngày xòe hoa tươi rói

Lại tiễn người đi

Lại đón người về

Sân trường lúc nào cũng mới

(SÂN TRƯỜNG)

Những bài thơ Nguyễn Thị Kim Liên viết về tình yêu, hay nói cho thật đúng là viết về những người thân yêu quanh mình, là những bài thật sâu sắc. Người ta có thể thấy được sự thắm thiết của Nguyễn Thị Kim Liên với những người mà cô yêu mến. Với chồng, với con, với bạn bè.

Với Nguyễn Thị Kim Liên, một lần trên giường bệnh, một lần tưởng sắp đi xa, một lần tưởng như không chống chỏi được với bệnh tật, thì chính những người than của Nguyễn thị kim Liên đã cho chị niềm tin để sống tiếp. Bằng thơ, Nguyễn Thị Kim Liên muốn nói tất cả sự chân thành. Và chính sự chân thành đó mà thành thơ Nguyễn Thị Kim Liên. Thỉnh thoảng cũng có buồn đấy , nhưng nỗi buồn không hề vương ủy mị, mà vượt qua nỗi buồn đến với những gì mà mình thương yêu nhất.

Tử cõi nào tiếng anh vẫy gọi

Em vẫn tìm trong nhấp nhoáng nhập nhòa

Bàn tay anh trong mơ hồ vẫy vẫy

Em gồng lên: không thể chia xa

(ĐAU TIM)

Em không muốn nói lời ly biệt

Cái nghĩa trăm năm mới ban đầu

Nồng nàn một chút vừa chia xớt

Sao nỡ làm con tim nhói đau

(KHÔNG ĐỀ)

Ngoài những gì đã nói trên đây, còn một phần thơ nữa của Nguyễn Thị kim Liên đó là cuộc sống quanh mình, những cục cựa quanh mình, những yêu, ghét quanh mình, khiến Nguyễn Thị Kim Liên nhiều khi trăn trở những suy tư. Nhiều khi Nguyễn Thị Kim Liên tự vấn chính mình: Thơ làm sao nói hết được nỗi long. Trong thơ, nhiều khi cứ nhói lên những câu hỏi, rồi sau đó là những câu trả lời của chính chị, mà những câu trả lời ấy, Nguyễn Thị Kim Liên tự bảo: Thơ làm được gì cho cuộc sống riêng mình. Chính vì thế mà cảm nhận được sự vật vã, vật vã sống và vật vã trong thơ Nguyễn Thị Kim Liên, và càng vật vã thì thơ Nguyễn Thị Kim Liên càng thêm đằm thắm:

Tôi cũng thế một giọt thơ, một giọt

Giữa rừng thơ ngơ ngác kiếm đường đi

Ai biết được ? mà đâu cần ai biết

Lặng thầm buông

nhặt

giữa bộn bề

(DÒNG SUỐI NHỎ)

Có lẻ không nên nói nhiều về thơ của Nguyễn Thị Kim Liên. Câu chữ và cảm xúc ắp đầy trong 38 bài thơ sẽ giúp bạn đọc gặp được một Nguyễn Thị Kim Liên thơ.

Nhà Văn Nguyễn Đức Thiện

(Đài Phát Thanh Truyền Hình Tây Ninh)

Tháng 1/2007

TRĂNG TRONG THƠ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN

Bài bình thơ TRĂNG của NTKL

TRĂNG của Nguyễn Thị Kim Liên

(Qua bài thơ Trăng)

*** MCS***

Ở nhà một mình.Trăng rằm tráng lệ - có trăng mà không đọc thơ thì uổng quá!. Tôi lấy tập thơ Môi Ngọt ra xem. Tập thơ rất đẹp, đọc qua một lượt, tôi chợt bàng hoàng khi đọc đến bài Trăng – Tôi như bị cuốn hút vào một bài thơ rất lạ… - cả bài thơ vương vương chút buồn sương khói, dễ thương. Tôi đọc, rồi đọc và đọc lại nữa :

-“Trăng chưa tròn sáng như tình yêu tuổi ấy”

Chắc là tuổi yêu đầu rồi? Kim Liên đang đứng ở đâu đó một mình đêm nay? Ồ! Sao chị lại có sự so sánh kỳ lạ đến thế? Lạ lắm. Có lẻ chưa ai “nhập vào trăng” bằng cách viết … lạ như chị:

“Trăng chưa tròn sáng như tình yêu tuổi ấy ?

Không gian im ta lặng nhìn trăng

Khoảnh khắc này ai đâu đó có trông”

À ra thế. Chị đang khắc khoải … nhớ “ai” xa:

“Khoảnh khắc này ai đâu đó có trông”

Về hướng trăng…”

Hình như chị đang nhìn trăng một mình, xao xuyến- Kim Liên “đi” vào bài thơ như nói chứ không phải gieo vần, “gò” tứ làm thơ như thông thường. Tôi có cảm giác thi sĩ Kim Liên nói thơ chứ không phải làm thơ – “Điệu nói” chỉ có chị mới làm được. Bỗng, Kim Liên bị xúc động mạnh, quá mạnh đến dồn dập:

-“Rồi tròn trăng…”

(Cò lẻ chị đợi trăng hơi lâu )

-“Đắm mình giữa ngàn sao

Có phải trăng ngày nào

Soi tỏ nỗi niềm riêng?”

Bài thơ tiếp tục như một niềm suy tư dâng trào. Không phân khổ, đoạn, không ” nhưng vẫn ngắt câu kín vần, có nhạc rất dễ thương:

- “Trăng hôm nay vẫn lặng im

Như bạn hiền

Tri kỷ

Chung và riêng

Hiếm quý”

Không hiếm quý sao được khi mà chị đã:

Tin tưởng và bình yên”

Nhìn trăng để mà thoát tục đối diện với “bạn hiền , tri kỷ” thì đúng là Kim Liên Hiền Triết rồi. Hai thứ đó giữa cuộc đời này KHÓ KIẾM lắm! Gặp lừa lọc, ba hoa, ồn ào và giả tạo thì nhiều.

Phải nói không nhập thần thì Kim Liên không thể NÓI CHUYỆN với trăng như thế !

-“Trăng ơi, làm gương soi tỏ mọi miền

Để người thấy người ở đó”

Tôi chợt nhớ Hàn Mặc Tử:

-“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”

(Hàn Mặc Tử)

Hàn Mặc Tử làm thơ về trăng – Kim Liên thì khác - chị là nói thơ với trăng - Vầng trăng Kim Liên không thể mua được, cũng không bán được, mà chỉ để :

“Để người thấy người ở đó”

Chị muốn trăng làm một “trạm viễn thông” trăng đây chắc ?:

-“Để gửi lời qua gió“

Gửi hình qua trăng

Quá lãng mạn mà cũng quá thực - bởi hai người cùng ở mặt đất cùng xa nhau (có khi chỉ gặp nhau trong … mộng thôi) thì làm sao mà thấy nhau ?- mặc dù có nhớ quay quắc cũng … đành chịu , chỉ còn cách đưa tâm hồn lên trăng và nhờ trăng giúp đỡ cho tình yêu của mình, có lẻ trăng đã thấu được nỗi lòng đó nên chị reo lên bất chợt:

-“Đêm tuyệt vời mênh mang

Kim Liên chỉ gói đêm trăng bằng trong năm chữ

-“Đêm tuyệt vời mênh mang

Cao thủ chẳng thua gì cổ thi Trung Quốc:

-”Nhân gian vô lượng nguyệt mang mang

(Cổ Thi)

Đúng, có đường ngỏ gì đâu? – Nơi nào trên mặt đất thiên nhiên này mà trăng không tới được ? Đoàn Thị Điểm diễn trong Chinh Phụ Ngâm cũng thế:

-“Nẻo nhân gian trăng dõi dõi soi

(Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm)

Chúng ta thử hái trăng bỏ vào túi thì mới thấy câu thơ năm chữ của Kim Liên SÁNG GIÁ như … Trăng.

Khác với Tản Đà nhìn trăng rồi buồn, rồi tuyệt vọng:

-“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi.

Trần thế em nay chán nữa rồi”

(Tản Đà)

Chợt Kim Liên kéo tôi về thực hữu - nửa đêm rồi. trăng vẫn tròn, vẫn sáng, vẫn trong veo. Nhưng chắc chị đã đi về rồi - Về với đời thường, với tổ ấm, với lo toan đủ thứ. Đành bỏ lại nhớ nhung, hoài niệm, và vẻ đẹp muôn đời của chị Hằng:

-“Muôn nỗi chất chồng

Bề bộn quá!

Trăng ơi!

Kim Liên nuối tiếc. Tôi thấy như … chị còn yêu trăng lắm !

-”Tôi tìm một ánh trăng xưa”

(Chút xưa- NTKL)

Hay:

-“Ngoài kia trăng sáng lung linh

…Tại cái khe cửa trăng ùa vào tôi”

(Một mình-NTKL)

Tôi giật mình vì tiếng gọi “Trăng ơi”. Ngoài trời trăng vẫn y nguyên. Tôi đọc lại Trăng của của Kim Liên Lần nữa. Chị dẫn tôi đi sâu vào bài thơ, như đi vào một đêm trăng của nỗi lòng, của tâm sự riêng. Tuy chị dùng từ đơn giản, cú tứ rất thoải mái, theo thể thơ tự do mới, nhưng sâu sắc và rất thực như cuộc sống và cuộc đời.

Qu. Ng

MCS

CÓ MỘT NÀNG THƠ XỨ TRẢNG ...

CÓ MỘT NÀNG THƠ XỨ TRẢNG…

*Trần Hòang Vy*

Nguyễn Thị Kim Liên đến với thơ từ tập “Ánh đèn phố núi” (Bút danh Sông Hương) và tập “Môi ngọt” (Bút danh cũng là tên thật : Nguyễn Thị Kim Liên), dường như đã để lại một dấu … son môi ngọt ngào trong lòng người đọc và bạn bè văn nghệ của xứ Tây Ninh …

Từ Sông Hương , cái tên đầy chất thơ mộng của đất Thần kinh xứ Huế, mang một ước vọng về thơ , Sông Hương lại trở về với tên tuổi thật của mình, âu cũng là bởi cái nghiệp thơ ca?

Nguyễn Thị Kim Liên là một nhà giáo , quê gốc ở Trảng Bàng (Tây Ninh)- cái nơi mà ngày xưa Vũ Anh Khanh đã có : “Đây Tha La xóm đạo / Có cây ngọt trái lành …” nức tiếng một thời, và bây giờ là Bánh tráng phơi sương , bánh canh Trảng Bàng… làm lưu luyến những bước chân du khách sau một lần lãng du, ghé lại. Còn thơ của nàng thơ – Kim Liên xứ Trảng Bàng ư? Nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã viết : “ Nhiều khi Nguyễn Thị Kim Liên tự vấn chính mình : thơ làm sao nói hết được nỗi lòng. Trong thơ, nhiều khi cứ nhói lên những câu hỏi, rồi sau đó là những câu trả lời của chính chị mà những câu trả lời ấy Nguyễn Thị Kim Liên (NTKL) tự bảo : Thơ làm gì cho cuộc sống riêng mình. Chính vì thế mà cảm nhận được sự vật vã, vật vã sống và vật vã trong thơ NTKL, và càng vật vã thì thơ NTKL càng thêm đằm thắm …”.

Cái đằm thắm ấy là: “ Mặn mòi /Trên môi/ Đắng đót/ Trên môi/ Chua chát/ Trên môi/ Chúa chan tất cả/ Thành mật ngọt/ Trên môi” chăng? Hay đó là nỗi lòng của nàng thơ – Kim Liên, thông qua bài “Dòng suối nhỏ” : “Tôi cũng thế một giọt thơ, một giọt/ Giữa rừng thơ ngơ ngác kiếm đường đi / Ai biết được? mà đâu cần ai biết/ Lặng thầm buông/ Nhặt / Giữa bộn bề” . Cái bộn bề ấy , lại là lúc NTKL ngồi một mình với nỗi thầm lặng rất riêng : “ Bây giờ đã khuya lắm rồi / Trước trang giấy trắng , mình tôi một mình.”

Là một cô giáo, với nhiều lo toan , bận rộn. Phận làm người, mấy ai được thảnh thơi ? NTKL vẫn dành cho học sinh của mình những tình cảm thân thương , khi cô đứng nhìn sân trường : “ Lá phượng xanh chờ ngày xòe hoa tươi rói / Lại tiễn người đi/ Lại đón người về/ Sân trường lúc nào cũng mới” (Sân trường).

Công bằng mà nói, từ Trại sáng tác Đà Lạt trở về cho đến nay, NTKL đã có một bước đi lên đáng khích lệ, giống như một đóa hoa thơ, trải qua những e ấp ban đầu, mới từ từ hé nụ va thoảng hương, Hương dù mộc mạc đơn sơ, vẫn khiến lòng ta cảm nhận một thi vị riêng, không trộn lẫn. Nàng thơ ấy, nàng thơ- Kim Liên của quê hương xứ Trảng, vẫn có cho mình một dáng vóc riêng, Thơ NTKL cũng đã được xây dựng lên như thế…

Gò Dầu Hạ- Đầu Giêng 2008

TRẦN HOÀNG VY

NHỚ MẸ Thơ Nguyễn thị Kim Liên

NHỚ MẸ

Mẹ ơi ngần ấy năm xa

Vẫn êm ả cánh võng đưa nhịp nhàng

Tiếng ve xưa vẫn râm ran

Lời ru xưa vẫn chứa chan tiếng lòng

Chuyện xưa nặng gánh tan bồng

Thân Kiều mấy bận dặm trường đa đoan

Mồ hôi mẹ đổ hàng hàng

Cho hàng hàng lúa rỡ ràng trổ bông

Thân cò lặn lội bờ sông

Cho con những bữa no lòng mẹ ơi !

Bây giờ mẹ đã xa rồi

Để con lại , sống mồ côi nhọc nhằn

Mỗi lần gặp bước gian nan

Lại thương mẹ, đã vì con cực lòng

Mẹ ở đâu giữa thinh không

Có thấy con vẫn còn mong nhớ hoài

Bao giờ nỗi nhớ nguôi ngoai

Bao giờ nỗi nhớ nguôi ngoai … bao giờ

Thơ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

BÓNG ĐỜI

BÓNG ĐỜI

Lặng tờ sợi bóng đi qua
Trắng – đen
Đen – trắng…
Cũng là bóng thôi
Nhịp đời dài – ngắn nhỏ nhoi
Trách chi!
Muôn sự xét soi tại trời
Đam mê chi lắm người ơi!
Mệt nhoài con tạo
ngược – xuôi
nhọc lòng
Biết rồi: sắc sắc – không không
Khát khao ngang dọc, bão dông làm gì
Mai này “lão gia an chi”
Xòe bàn tay trắng mẩn mê trăng vàng
Êm nghe trong vắt suối ngàn
Ríu rang chim hót nắng sang vạn ngày
Loi thoi
Thấp thoáng
Bóng này
Lướt trôi nào khác bóng mây cuối trời

Thơ NGUYỄN HUẤN