Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Cảm nhận với bài thơ NGÔI NHÀ HOA CỎ của NGUYỄN THỊ KIM LIÊN

Cảm nhận với bài thơ Ngôi Nhà Hoa Cỏ

Cảm nhận bởi: Phieuvan_Thlangdu

H

NGÔI NHÀ HOA CỎ
Thơ: Nguyễn Thị Kim Liên

Chợt nhận ra mình đứng giữa cỏ hoa
Ngôi nhà nhỏ, bình yên lòng thị trấn
Gió và nắng! Tiếng xe trôi bất tận
Thành thân thương như máu thịt của em rồi.

Và mỗi chiều ta lại gọi: mình ơi!
Anh vẫn thế, dù tháng năm từng trải
Em đã bớt những ngây thơ, vụng dại
Con chúng mình đã biết ngắm trước gương

***

Hạnh phúc trong tay, dù rất đời thường
Dẫu có lúc xô nghiêng về chỗ thấp
Nhưng em biết, em dễ gì có được
Hoa mười giờ vẫn nở giấc ban trưa

***

Nếu được trở về với kỷ niệm ngày xưa
Em lại chọn ánh mắt nhìn cháy bỏng
Vầng ngực tin yêu, đôi cánh tay dang rộng
Với ngôi nhà hoa cỏ của em thôi!

********************

Cảm nhận với bài thơ Ngôi Nhà Hoa Cỏ
Cảm nhận bởi: Phieuvan_Thlangdu

Ngôi Nhà Hoa Cỏ” của tác giả Nguyễn Thị Kim Liên chứa đựng một niềm vui hạnh phúc đến ngập tràn, ngập tràn đến độ tác giả lúc như tự nhủ; lúc lại san sẻ niềm hanh phúc đó với mọi người; rồi lúc lại nhắn nhủ, gửi gắm tâm tình đến người bạn đời trăm năm…

Để biểu đạt những đợt sóng xôn xao hạnh phúc đó trong “Ngôi Nhà Hoa Cỏ”, tác giả Nguyễn Thị Kim Liên đã vô tình hay hữu ý chọn thể thơ tự do 8 chữ, một thể thơ có câu không quá dài, mà cũng không quá ngắn để trang trải tâm tư như lời kể chuyện thật bình dị, đời thường mà lại nhẹ nhàng như làn gió mát; sống động, rực rỡ như những cách hoa lay; êm đềm như lời tâm sự mà lại trầm bổng mang đầy chất thơ.

Không phải thế sao?! Chúng ta hãy hòa lòng vào cái không gian “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” để thả tầm mắt trên những cỏ hoa xanh mướt mà nghe nhịp đập cuộc sống, để cảm nhận sự yên bình của tâm tình trong nếp sống đời thường.

“Chợt nhận ra mình đứng giữa cỏ hoa
Ngôi nhà nhỏ, bình yên lòng thị trấn
Gió và nắng! Tiếng xe trôi bất tận
Thành thân thương như máu thịt của em rồi.”

“Chợt nhận ra mình đứng giữa cỏ hoa”. Sao lại “chợt nhận ra” nhỉ? Mới đọc qua câu thơ đầu nghe chừng như thật vô lý! Cỏ hoa nào phải chỉ một ngày một buổi mà xanh, mà nở hoa được để phải giờ mới “chợt nhận ra”?
Gượm đã, thơ nào chỉ có một câu kia chứ, hãy tiếp xem nào.

Trong cuộc giòng chảy khá cuộn xiết của cuộc sống đời thường hiện nay, người ta phải lo toan không biết là bao việc nên cho dù muốn hay không thì tâm trí cũng bị giòng sống cuốn hút. Có chăng chỉ là một lúc nào đó người ta chợt ôn lại, nhìn lại chính cuộc sống bản thân để nhận ra những mất được trên giòng sống.

Thật vậy, cuộc sống có nhiều điều chi phối quá! Có buồn vui lẫn lộn; có sướng khổ đan xen… và lắm khi có những điều thật gần gũi, thật thân thương, thật hiển nhiên mà cho dù tận cùng tâm thức vẫn cảm thấu, nhưng để lắng lòng nhìn nó, nghe nhịp đập của nó thì hẵn đâu lúc nào người ta cũng có thể làm. Đó cũng bởi vì nó quá thân quen, quá tất nhiên như là hơi thở đấy thôi! Thế nhưng rồi một lúc nào đó người ta cũng nhìn lại để càng nhận ra nó xinh tươi, nó thiết tha biết đến dường nào đối với cuộc sống của mình.
Phải chăng chợt nhận ra trong "Ngôi Nhà Hoa Cỏ" cũng là vì lẽ ấy?

Và phải chăng 3 câu sau ở khổ thơ thứ nhất tác giả đã nhắn nhủ như vậy?
”Ngôi nhà nhỏ, bình yên lòng thị trấn // Gió và nắng! Tiếng xe trôi bất tận //Thành thân thương như máu thịt của em rồi.”.

3 câu thơ có tính đặc tả về ngôi nhà như: “lòng thị trấn” ; “Gió và nắng! ; “Tiếng xe trôi bất tậnnhưng đồng thời cũng thố lộ sự bình yên của tâm tư, sự bình yên mang đến niềm tin yêu như một tất nhiên bởi: Thành thân thương như máu thịt của em rồi! Như vậy thì liệu có cần thiết phải cố hiểu “Chợt nhận ra mình đứng giữa cỏ hoa” theo một cách hiểu khác không?

Tôi cho rằng nếu còn có những nghi ngờ gì thì hẳn sẽ sáng tỏ hơn ở khổ thơ thứ 2, khổ làm nhiệm vụ mở rộng hơn như để minh họa rõ nét sự lắng đọng tâm tình trong giòng sống đời thường mà ôn lại bước đời, mà thấu cảm những hương hoa cuộc sống.

“Và mỗi chiều ta lại gọi: mình ơi!” Tiếng gọi mình ơi thì có thể gọi bất kỳ lúc nào, thế nhưng tác giả lại chỉ gọi “mình ơi” vào “mỗi chiều”?

Nếu trong văn viết thường dùng ngôn ngữ cụ thể để vẽ thật đầy đủ, thật chi tiết một bức chân dung thì ngược lại, thơ thường dùng ngôn ngữ ẩn dụ mang nhiều tính ước lệ nhưng lại thật cô đọng để vẽ nên những phát thảo trừu tượng mang sức liên tưởng, biểu cảm cao. Chính vì vậy mà người ta nói “ý tại ngôn ngoại” để nói về sự biểu đạt của thơ.

“Và mỗi chiều ta lại gọi: mình ơi!làm cho người đọc hình dung một không gian xuống nhẹ sau một ngày lo toan. Buổi chiều cũng là thời điểm thảnh thơi, sum họp gia đình bên mâm cơm chiều; cái không gian nhẹ nhàng của giòng sông đời tạm lắng lại sau một ngày xiết chảy; cái không khí sum họp đầm ấm của mái gia đình sau một ngày lo toan, chờ đợi…

Trong nguồn mạch yêu thương, hạnh phúc ấy, tác giả đã thố lộ cảm xúc của mình:
“Và mỗi chiều ta lại gọi: mình ơi!
Anh vẫn thế, dù tháng năm từng trải
Em đã bớt những ngây thơ, vụng dại
Con chúng mình đã biết ngắm trước gương”

Vâng, tháng năm đã trải qua với biết bao thay đổi, nhưng “Anh” của tác giả thì vẫn thế, vẫn nồng nàn, vẫn cho “Em” một niềm tin yêu vững chắc để chững chàng hơn trong cuộc sống đời thường; để thêm hạnh phúc khi nhìn con chúng mình ngày thêm lớn…

Chỉ với 4 câu thơ trong khổ thứ 2 mà tác giả đã kết chuỗi những hương hoa cuộc sống gia đình trong ngần ấy tháng năm như: “dù tháng năm từng trải’ ; Em đã bớt những ngây thơ vụng dại” ; và đặc biệt “Con chúng mình đã biết ngắm trước gương”
Không có một tâm tình dào dạt, không có sự tha thiết tin yêu thì không dễ gì người ta có thể cô đọng niềm hân hoan, hạnh phúc bằng những điều bình dị, đời thường nhưng lại sinh động và chứa chan cảm xúc đến như vậy!

Không dừng lại ở đó, với nguồn mạch tuông trào, tác giả đã hạ những câu thơ tự sự chuyển tải bao ngần hạnh phúc.
”Hạnh phúc trong tay, dù rất đời thường
Dẫu có lúc xô nghiêng về chỗ thấp
Nhưng em biết, em dễ gì có được
Hoa mười giờ vẫn nở giấc ban trưa”

Thật hạnh phúc cho những ai nhận thức được “Hạnh phúc rất đời thường”! Chỉ với nhận thức ấy về hạnh phúc thì mới thật sự được hưởng hạnh phúc đích thực của đời thường. Và cũng chính vì đời thường nên cuộc sống gia đình không sao tránh khỏi đôi khi có những cuộn sóng lớn nhỏ nào đó của giòng đời. Biết và hiểu được điều đó là một việc, nhưng để nhìn điều đó với một cái nhìn nhận chân thành mà tiếp nhận nó, biến “những lúc xô nghiêng về chỗ thấp” thành những nốt lặng, nốt trầm hầu có được cảm nhận mạnh hơn, cao trào hơn, cháy bỏng và hòa quyện hơn hơn ở những cung bậc chót vót cuộc sống thì quả thật là một nghệ thuật chứ không đơn giản chỉ là hành vi lý trí.

Có như vậy người ta mới biết yêu, biết quý, biết nâng niu, ý thức giá trị cả những dấu lặng, nốt trầm, nốt bổng trong khúc giao hưởng đời để nói hoan hỉ nói lên rằng “Nhưng em biết, em dễ gì có được // Hoa mười giờ vẫn nở giấc ban trưa”.

Đọc đến đây tôi lại thấy lạ ở “Hoa mười giờ vẫn nở giữa ban trưa”. Tôi cho rằng “Hoa mười giờ vẫn nở giấc ban trưa” là một điều gì đó rất riêng tư của những người chủ “Ngôi Nhà Hoa Cỏ”. Tuy vậy tôi vẫn muốn nhìn điều này qua một cách nhìn dựa trên hiện thực.

Hẳn ai từng biết, chính xác là từng ngắm hoa mười giờ đều nhận thấy loài hoa này càng hong dưới nắng thì càng rực rỡ, nhất là dưới cái nắng ban trưa.

Từ góc độ thực tế này, tôi chia sẽ rằng phải chăng đây cũng là một cách biểu đạt đóa hoa riêng lòng, màu hoa rực rỡ của tình yêu trong “Ngôi Nhà Hoa Cỏ”? Có lẽ chia sẻ này của tôi chỉ có chính tác giả mới thẩm định chắc chắn nhất. Có thể tôi đã đi quá xa với câu thơ này chăng? Vâng, có thể! Nhưng dù sao tôi vẫn thích cách nhìn dựa trên hiện thực này đối với loài hoa mười giờ.

Bài thơ đến đây có thể xem là đầy đủ, thế nhưng tác giả đã không thể dừng lại ở khổ thơ này, mà dừng sao được khi tâm tư dâng trào cảm xúc; khi hạnh phúc tràn trề khắp cả “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” kia chứ! Và chúng ta hãy xem tác giả còn muốn chia sẻ điều gì.

“Nếu được trở về với kỷ niệm ngày xưa
Em lại chọn ánh mắt nhìn cháy bỏng
Vầng ngực tin yêu, đôi cánh tay dang rộng
Với ngôi nhà hoa cỏ của em thôi!”

Thế thì chịu!! Quả đúng là còn điều chi đó chưa thật đầy đủ nếu bài thơ thiếu khổ thơ kết này. Tôi chẳng có gì để nói thêm với khổ thơ kết thật trọn vẹn cho bài thơ. Thay vào đó, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến tác giả Nguyễn Thị Kim Liên và Người Bạn Đời của tác giả. Tôi cũng chắc rằng “Thiên thần bé nhỏ” trong “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” sẽ là người hạnh phúc nhất. Xin chúc mừng tất cả những người bạn trong “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” !

Thay lời kết
- Bài thơ được dùng các dấu phân đoạn để chia thành 3 phần. Phần đầu gồm 2 khổ thơ; phần giữa và phần cuối mỗi phần 1 khổ thơ. Theo tôi, phần đầu nên kết liền 3 khổ thơ để ý bài thơ được liền mạch hơn.

- Ngôi Nhà Hoa Cỏ” đã thành công khi chọn thể thơ tự do 8 chữ, một thể thơ có cấu trúc độ dài câu vừa đủ, thích hợp để trang trải tâm tư theo phong cách kể chuyện, tâm tình.

Không sặc sỡ như những cành hoa được cắt tỉa tỉ mỉ, trang trọng đặt nơi nổi bật ở phòng khách, mà ngược lại, “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” mang nét duyên dáng của người thôn nữ; như đóa hoa đủ độ sung mãn để nở giữa thiên nhiên ngát hương đồng cỏ nội. Không đủ độ sao được khi mà cây hoa nhỏ từ cái “… ánh mắt nhìn cháy bỏng” cho đến “Con chúng mình đã biết ngắm trước gương” là cả một quá trình trải qua biết bao nắng mưa, xuân hạ... thì cây hoa tình yêu hẳn nhiên phải được phát triển để đơm hoa kết trái là hợp lẽ. Điều đáng nói là bằng những từ ngữ, hình ảnh hết sức bình dị, đời thường, cùng với cách biểu đạt thật chân phương trong “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” đã trở thành một không gian biểu cảm rộng mở để người đọc tự du lòng mình vào một trường liên tưởng cũng hết sức bình dị, đời thường của chính bản thân, đời sống mà chẳng phải bị tác động bởi sự gợi ý, dẫn đạo từ lời thơ.

Bình dị, đời thường, chân phương mà lại tạo nên sức liên tưởng mạnh, sâu cho mỗi tâm tư thì đó chính là “hương hoa thiên nhiên” vậy!

Chúc mừng bài thơ tác giả Nguyễn Thị Kim Liên cùng “Ngôi Nhà Hoa Cỏ” và những Chủ Nhân của nó.

02-03-10
Phieuvan_Thlangdu

http://phieuvan08.vnweblogs.com/

http://phieuvan08.vnweblogs.com/post/10982/217639

************************************************************

CHÚC MỪNG CẢM NHẬN HAY !

1.Hoa và cỏ thật mềm chiều nắng ấm
Gói lòng ta năm tháng gọi niềm thương
Hiên nhà êm những sợi ngọt đời thường
Vương trong gió lời thầm thì bến mộng

Tặng bạn để chúc mừng nè
Viết bởi sonata @ 13:48, 2010-03-04

**************************************

2.Em nhớ vô cùng căn nhà xưa mình ở
Chan chứa yêu thương, ngập nắng và hoa
Hạnh phúc đơn sơ nhưng thật thiết tha
Anh yêu ơi, em mong hoài được vậy...
Góp vui vài câu với bài thơ NGÔI NHÀ HOA CỎ của Nguyễn Thị Kim Liên...
Chúc em vui khỏe!

Viết bởi NGUYỄN NGỌC CHIẾN @ 14:27, 2010-03-04

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét